Bệnh lở mồm long móng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây lan nhanh, gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, xã hội và môi trường. Để hiểu rõ nguyên nhân, triệu chứng và các biện pháp phòng và chữa trị bệnh có hiệu quả, xin giới thiệu vài nét cơ bản về bệnh lở mồm, long móng và các biện pháp phòng, chữa trị bệnh… Sau đây là các nguyên nhân và cách phòng trị bệnh lở mồm long móng trên gia súc.
Căn Bệnh
Tác nhân gây bệnh là virut thuộc nhóm Enterovirus và họ Picornavirus. Nhóm virut này lại chia ra hai nhóm: thuộc họ Picornaviridae chúng gồm 4 giống: Enterovirus, Cardiovirus, Rhinovirus, Aphtovirus. Virut LMLM thuộc giống Aphtovirus.
Ngày nay đã xác định có 7 typ virut gây bệnh LMLM là: O, A, C, SAT1, SAT2, SAT3, và ASIA1. Mỗi một chủng lại có nhiều dưới chủng (subtype) trong đó typ O gây bệnh cho lợn. Đến nay, các nhà khoa học đã xác định được hơn 60 serotyp huyết thanh, điều này có nghĩa là virut gây bệnh LMLM có sự thay đổi về đặc tinh cấu trúc kháng nguyên.
Tất cả các typ virut LMLM đều gây bệnh với các triệu chứng lâm sàng giống nhau cho động vật móng guốc. Trâu, bò, dê cừu, lợn nhưng lại không tạo miễn dịch chéo trên súc vật giữa các typ và subtyp.
Tuy nhiên subtyp virut 01 vừa gây bệnh cho trâu bò lại vừa gây bệnh cho lợn.Virut dễ dàng bị diệt ở nhiệt độ 60- 70oC trong 5 – 10 phút.
Virut được bảo tồn lâu trong điều kiện lạnh, ở nhiệt độ 0oC có thể tồn tại 425 ngày. Trong điều kiện tự nhiên, chúng sống và giữ nguyên khả năng gây bệnh được hơn một năm trong chuồng nhiễm căn nguyên, 10 – 12 tuần ở quần áo và thức ăn, một tháng ở lông.
Các thuốc sát trùng thông thường có thể diệt được virut : Focmon 2%, Nước vôi 10%, 2% của Vinadin 10%.
Đặc điểm dịch tễ
Trong các ổ dịch LMLM thường thấy có nhiều loài thú mắc bệnh như: trâu, bò, dê, hươu, nai, lợn. Bệnh cũng lây nhiễm sang người.
Virut LMLM có trong máu, hạch lâm ba, các nội tạng của vật bệnh và các dịch tiết bài xuất.Trong máu sẽ không có virut khi các mụn loét hình thành từ 3- 5 ngày sau nhiễm virut.
Lợn sau khi khỏi bệnh vẫn mang virut và thải virut qua các chất bài tiết như: phân, nước tiểu, đờm dãi, tinh dịch, sữa,… khoảng từ 1- 2 tháng.
Trong tự nhiên virut xâm nhập vào cơ thể súc vật chủ yếu qua niêm mạc miệng và mũi. Virut cũng có thể vào cơ thể qua vết thương và niêm mạc đường sinh dục.
Bệnh có thể lây nhiễm quanh năm. Nhưng có ổ dịch thường xuất hiện nhiều vào những tháng mưa phùn, ẩm ướt, ánh sáng dịu của mùa xuân và đầu mùa hè, từ tháng 2 đến tháng 4 dương lịch.
Triệu chứng lâm sàng
Thời gian ủ bệnh ngắn từ 2 – 8 ngày. Bệnh lây lan nhanh, tỷ lệ mắc bệnh rất cao, tới 100%. Trạng thái bệnh của lợn phụ thuộc vào chủng virut gây bệnh và sức đề kháng của lợn. Virut thường xâm nhập vào cơ thể lợn qua các hạt nước rất nhỏ có chứa virut theo đường hô hấp. Người ta đã được phát hiện một lượng lớn virut trong không khí trước và sau khi có các dấu hiệu lâm sàng được phát hiện ở lợn. Bệnh cũng được truyền đi qua súc vật bệnh, dụng cụ chăn nuôi, động vật hoang dã, chim trời mang virut gây bệnh.
Virut xâm nhập vào niêm mạc vùng miệng tạo ra các mụn nhỏ đầu tiên không nhìn thấy. Từ các mụn nước này virut vào máu, rồi phát triển ra các niêm mạc đường tiêu hoá, hô hấp, nhất là các tế bào của biểu bì vùng họng. Virut sẽ tăng nhanh số lượng trong tuyến nước bọt, trong sữa trước khi lợn có các dấu hiệu lâm sàng. Sau đó, lợn có các triệu chứng lâm sàng đặc trưng: mọc các mụn nhỏ ở kẽ ngón chân, xung quanh ngón chân, da chân và miệng. Ở miệng, mụn mọng nước, sau vỡ ra để lộ vùng tổn thương màu đỏ, rồi chuyển sang xám và phủ lớp màng giả. Cùng thời gian này, nhiệt độ cơ thể tăng cao 41- 42oC, những nốt loét này lan sang lớp thượng bì của lưỡi, vòm họng tạo thành các ổ loét sâu vùng họng.Quanh núm vú cũng thấy các mụn nước và mụn loét.
Trường hợp loét ở miệng, con vật ăn uống khó khăn hoặc không ăn được. Nốt loét quanh móng có thể làm bong móng gây đau buốt khiến chúng không đi lại được. Bệnh nặng còn thấy có hiện tượng loét dạ dày và có viêm nhiễm khuẩn thứ phát.Khi các nốt loét bên ngoài cơ thể (kẽ ngón chân,xung quanh ngón chân giữa phần da và móng,…) vỡ ra cũng là thời điểm lợn bệnh hết sốt. Trong các ổ dịch, súc vật trưởng thành chết khoảng 5 – 10%. Những súc vật non tỷ lệ chết cao, có thể đến 50%. Virut LMLM typ C còn gây viêm cơ tim và làm cho súc vật trưởng thành thường chết đột tử với tỷ lệ rất cao. Lợn cái mang thai nhiễm virut sẽ sảy thai.
Chuẩn đoán
Căn cứ vào các dấu hiệu lâm sàng đặc trưng: loét miệng, mũi, lưỡi và quanh móng chân kèm theo sốt cao với các đám nốt loét có nhiều màu sắc. Tuy vậy, cần phải xét nghiệm virut để phân biệt với bệnh lở loét miệng truyền nhiễm ở lợn cũng có mụn loét như bệnh LMLM, gây ra do virut SVD (Stomatitis virut disease). Bệnh này nhẹ hơn bệnh LMLM, lợn có thể tự khỏi sau 4- 5 ngày.
Chẩn đoán vi sinh vật: Nuôi cấy, phân lập và định typ, subtyp virut gây bệnh trên màng niệu phôi trứng gà, đặc biệt trên các môi trường tế bào tuyến giáp của bê và thận bê (môi trường tế bào NHK-21).Chẩn đoán huyết thanh miễn dịch: các phương pháp là ELISA, kết hợp bổ thể và trung hoà virut được áp dụng rộng rãi nhất vào mục đích chẩn đoán và xác định chủng virut gây bệnh chính xác nhất. Phương pháp ELISA chẩn đoán bệnh LMLM cho kết quả chính xác và phát hiện kháng thể chống virut LMLM trong máu vật bệnh.Phương pháp này cũng có thể xác định được các typ virut gây bệnh.
Điều trị
Bệnh LMLM dễ điều trị bằng các phương pháp sát khuẩn chống viêm thông thường, song do tính chất nguy hiểm của bệnh nên khi thấy lợn có biểu hiện nghi LMLM ở phạm vi cục bộ thì phải tiến hành tiêu huỷ ngay bệnh súc và triển khai các biện pháp sau đây:
– Chuồng nuôi phải giữ khô ráo, không được vận chuyển lợn ốm ra khỏi khu vực.
– Dùng 2% của Vinadin 10% bôi rửa vết loét ngày 2 lần, vệ sinh sạch sẽ chống nhiễm trùng thứ phát.
Toàn bộ đàn lợn khoẻ phải được tiêm ngay vacxin chống LMLM. Sau đó, nên tiêm bắp cho lợn bằng một trong các loại thuốc: Macavet, Flodovet, Vidan.T, Lnco-Gen L.A, T.enteron mỗi ngày một lần theo liều chỉ định của mỗi loại thuốc, tiêm liên tục 3 ngày.
Phòng bệnh
a. Khi chưa có dịch
Tiêm vacxin phòng bệnh: Có một quy luật là bệnh LMLM khi xuất hiện, lúc đầu chỉ do một chủng virut sau đó sẽ xuất hiện tất cả các chủng virut đang có ở khu vực. Vì vậy, cần phải tổ chức tiêm vacxin đa giá tạo miễn dịch phòng chống virut các typ khác nhau: đặc biệt đối với lợn vacxin cần có kháng nguyên của typ O, C, ASIA 1.
Hiện nay vacxin được sử dụng tại các ổ dịch cũ ở nước ta: biên giới phía Bắc, biên giới Việt Nam- Campuchia, Việt- Lào và một số tỉnh miền Nam, miền Trung theo định kỳ 6 tháng/lần là vacxin typ O.
Cần phải tiến tới dùng vacxin chứa cả 3 chủng typ O, O, ASIA 1 thì mới mang lại hiệu quả tốt chống bệnh LMLM.
Thực hiện vệ sinh chuồng trại và môi trường chăn nuôi. Định kỳ diệt mầm bệnh bằng các dung dịch sát trùng thông thường: 2% của dung dịch Vinadin 10%. Thực hiện kiểm dịch động vật nghiêm ngặt khi nhập lợn. Đặc biệt là xuất nhập súc vật từ các vùng có ổ dịch LMLM cũ.
b. Khi có dịch xảy ra ở diện rộng.
Điều trị ngay các con bệnh bằng việc dùng Vinadin 10% bôi sát khuẩn trực tiếp 2 lần/ngày, tiêm bắp VidanT hoặc T.enteron: 1ml/10kg/lần – 2 lần/ngày – 3 ngày liên tục. Tổ chức tiêm kháng huyết thanh cho đàn súc vật (trâu, bò, lợn) trong vùng có dịch, sau đó là tiêm vacxin xung quanh ổ dịch để bao vây ổ dịch từ ngoài vào theo hình xoáy ốc từ ngoài vào trong.
Phát hiện kịp thời súc vật bệnh cách ly và xử lý tiêu huỷ kịp thời.
Súc vật chết và bị bệnh phải huỷ bỏ, đốt xác hoặc chôn sâu có rắc vôi bột để diệt mầm bệnh. Không được vận chuyển, giết mổ súc vật trong vùng đã có lệnh công bố dịch ra nơi khác..
Thực hiện vệ sinh nghiêm ngặt chuồng trại và khu vực chăn nuôi: sử dụng các dung dịch sát trùng để diệt mầm bệnh: NaOH 2%, Virkon 5%o, Cresyl 2%, nước vôi 10%, 2% của Vinadin 10%.
Đây là những tổng hợp hữu ích của FarmGo hi vọng sẽ giúp cho bà con nông dân có những kinh nghiệm trong việc phòng và trị bệnh cho gia súc tại Cơ sở của mình.
Nguồn: Tham khảo