“Mua heo chọn nái”, kinh nghiệm đó của người xưa có từ ngàn đời đến nay vẫn còn có giá trị. Muốn có con heo giống tốt mà nuôi, ta phải cố công chọn dòng chọn giống của mình. Con heo dù rặc dòng, tốt tướng nhưng cha mẹ nó, ông bà nó có những hết hư tật xấu như kén ăn, sinh sản kém thì giá trị của nó cũng không đáng chọn nuôi.
Vì vậy, càng khắt khe với chính mình trong việc chọn lựa ta mới hi vọng có những bầy đàn heo tốt sau này để làm giống.
Sau đây là 10 cách chọn heo giống tốt mà bà con cần lưu ý khi chọn giống trong quá trình chăn nuôi.
Muốn có giống heo tốt, ta nên tìm nguồn heo giống từ đâu ?
Chọn heo giống, tốt nhất là chọn từ bầy heo con của nhà mình. Vì mình biết giống dòng cha mẹ, ông bà nó tốt xấu ra sao (tất nhiên dòng giống tốt thực sự mới chọn nuôi). Nếu không thì nên mua các heo giống từ trại chăn nuôi có thương hiệu uy tín lâu năm. Tuyệt đối không nên mua heo ngoài chợ về làm giống.
Làm sao đoán biết tình trạng sức khỏe của con heo giống đó ra sao để mua nuôi ?
Heo giống mạnh hay heo bệnh thường có biểu hiện lộ ra bên ngoài cho ta biết được khá đầy đủ về sức khỏe của nó:
Heo Bệnh | Heo mạnh |
– Dáng lừ đừ, uể oải thụ động, thích nằm vùi một nơi | -Mặt mày lanh lợi, xăng xái, chạy tới chạy lui |
– Thân nhiệt cao hơn 40o C, lông khô, không tươi tắn và xù lên | – Da bóng, lông mượt, thân nhiệt bình thường 38o C |
– Ăn ít hoặc bỏ ăn | – Ăn nhiều và ăn ngon miệng |
– Đuôi cụp xuống | -Đuôi cong vòng lên |
– Mắt mở hí, sợ chói sáng | – Mắt mỏ to, long lanh sáng |
– Niêm mạc mũi khô, chảy nước mũi | – Mũi màu hồng, ươn ướt. |
– Phân hôi. Táo bón hay tiêu chảy | – Phân mềm |
Chọn heo để giống nên dựa vào những tiêu chuẩn nào ?
Nên dựa vào những tiêu chuẩn sau đây để chọn con heo đúng giống mà mình yêu thích:
* Chọn giống: Heo giống có nhiều loại, muốn nuôi giống nào thì chọn đúng giống đó về nuôi. Mỗi giống heo đều có vóc dáng riêng biệt, sắc lông và đặt trưng riêng … không thể nhầm lẫn với giống heo khác được. Chẳng hạn như Yorkshire large white có da màu lông trắng, vóc dáng cao to, đòn dài, tai đứng, mõm cong sẽ khác xa với vóc dáng của heo Landrace cũng da lông màu trắng, nhưng thân mỏng, cổ dài, vai hẹp, tai cụp xuống che cả mắt… Quan sát heo mẹ rồi nhìn lại heo con xem gì khác biệt đáng nghi ngờ không… Mọi việc nên tin vào mắt mình, chớ vội tin vào lời nói đưa đẩy của người bán…
* Chọn dòng: Nên tìm hiểu kỹ lý lịch của heo mẹ (tốt nhất là cả heo cha) xem nết ăn nết ở có tốt không, có nuôi con giỏi không… Và lứa con này là lứa con thứ mấy của nó. Vì rằng chọn heo con làm giống từ heo mẹ quá tơ (đẻ lứa đầu) hoặc heo mẹ quá già (đẻ được chín mười lứa) không tốt nên chọn heo con từ lúa thứ ba, thứ tư làm giống mới tốt vì ở vào giai đoạn này heo mẹ rất sung sức, mọi cơ quan, bộ phận trong cơ thể nó đã phát triển toàn diện.
* Chọn vóc dáng: Nên chọn những con heo có vóc dáng cao to – heo đầu đàn – hợp với những nét đặc trưng của dòng giống nó. Nếu là heo đẻ nái, ngoài việc chọn các bộ phận bên ngoài ra cần phải xem kỹ bộ vú và bộ phận sinh dục. Cách chọn heo đực cũng vậy.
* Chọn tính nết: Nên chọn những con heo có tính hiền, không hung dữ với đồng loại. Nết ăn phải tốt: ăn không vung vãi, không sục mõm vào máng mò mẫm tìm thức ăn ngon ăn trước …Những heo kén ăn này dù giống tốt đâu cũng không nên chọn nuôi làm giống.
Chọn heo nái làm giống cần hội tụ những điểm gì ?
Ngoài việc chọn đúng dòng giống, tính nết và những đặc tính di truyền tốt từ heo cha heo mẹ ra, con cái con chọn làm giống phải hội tụ những đặc điểm sau đây: Đòn dài, lưng thẳng, ngực nở, hông rộng, bốn chân khỏe, cứng cáp, có 12 vú đóng đều đặn, không vú lép, bộ phận sinh dục nở nang, không dị tật…
Chọn giống heo nọc để giống cần hội tụ những điểm gì ?
Ngoài việc chọn đúng dòng giống, tính nết và những đặc tính di truyền tốt từ heo cha heo mẹ ra, heo đực con chọn làm giống phải có vóc dáng cao to, thân hình vạm vỡ. Tốt nhất là nên chọn con heo đực đầu đàn. Heo đực không những mập mạnh, mà đòi hỏi phải có lưng thẳng, ngực to, vai nỡ, đùi dài, bốn chân khỏe mạnh, cứng cáp và phải có hai dịch hoàn nở nang lớn đồng đều, săn chứ không trì trệ. Heo đực đòi hỏi phải có đủ 6 cặp vú đều đặn, không lép.
Nếu chọn heo con của nhà làm giống thì cách chọn lựa ra sao để tránh sự sơ xuất ?
Nếu heo trong chuồng ở nhà đẻ thì dòng giống chúng ra sao ta đã biết. Cách chọn lựa cũng tuân theo những đặc điểm trên. Có điều, vì là heo nhà nên ta có chọn lựa kỹ hơn, và nên chọn thành nhiều đợt mới tốt:
* Chọn đợt 1: Khi heo vừa lọt lòng mẹ, những con heo có vóc dáng cao to, khỏe mạnh nhất (gọi là heo đầu đàn) không bị thương tật, khôn lanh… nên nhớ kỹ(tốt hơn làm dấu) để tiếp tục theo dõi sức sinh trưởng của nó sau này tốt xấu ra sao…
* Chọn đợt 2: Vào thời điểm heo lẻ bầy, những con được chọn trong đợt 1nếu tiếp tục phát huy những ưu sẵn có từ trước nên nuôi tiếp, và cũng tiếp tục theo dõi… Những heo không đạt chuẩn làm giống nên loại ra nuôi thịt (heo cái không cần thiến, nhưng tất cả heo đực nên thiến hết).
* Chọn đợt 3: Khi heo được 6 tháng tuổi, tuổi đực cái đều sắp lên giống, ta nên tuyển chọn lần cuối cùng. Chỉ giữ lại làm giống những con có vóc dáng đúng chuẩn, bộ phận sinh dục tốt, sức khỏe sung mãn. Những heo giống này được nuôi riêng. Còn những heo không đạt tiêu chuẩn dứt khoát loại thải bán thịt.
Nhiều người còn tính kỹ hơn, chờ heo nái đẻ lứa đầu xem tốt xấu ra sao để… chọn đợt cuối. Nếu heo nọc phủ nái có tỷ lệ đậu thai thấp, nếu heo nái sinh sản không ra gì thì thử hỏi nuôi tiếp chỉ tốn công hại của mà thôi.
Phương pháp nuôi dưỡng heo tơ ra sao ?
Heo cái tơ nuôi được bốn, năm tháng tuổi có thể nuôi chung với những cái tơ cùng lứa với nó. Chế độ ăn uống, chăm sóc cũng không có gì đặc biệt, ngoại trừ việc hằng ngày cho chúng vận động nhiều giờ hơn. Loại heo tơ này không nên cho mập, cần giúp chúng khỏe mạnh là được.
Phương pháp nuôi dưỡng heo đực giống ra sao?
Heo đực tơ mới được vài ba tháng tuổi đã bắt đầu… dậm dật thường hót lên những con khác trong đàn nên gấy ra sự … bất ổn trong chuồng. Do dó, những con đực làm giống cần được nuôi riêng. Heo đực loại ra nuôi thịt phải thiến từ khi chúng được 6 tuần tuổi. Cũng như heo cái tơ, heo đực cũng được nuôi dưỡng với khẩu phần ăn bổ dưỡng để tránh heo không bị mập mỡ. Heo đực cần được vận động ngoài sân nắng nhiều giờ tròng ngày. Và bắtđầu được chủ tập luyện dần để nó biết nghe lời chủ, biết thân thiện với chủ, nói chung là phải dễ dậy mới nuôi được. Những heo nọc hung dữ sãn sàng tấn công người, kể cả chủ nuôi nó, tất nhiên phải thải không thương tiếc. Khi neo nọc đã đến tuổi phối giống, chế độ ăn uống của nó có hơi khác hơn, nhiều chất dinh dưỡng hơn: mỗi ngày ngoài ba bữa ăn chính, tối lại cho ăn bổ sung với thức ăn hỗn hợp. Sau mỗi lần phối giống , nên cho thêm chục trứng gà (để sống) và cháo nếp đậu xanh, để giúp nó mau hồi sức.
Heo nọc mấy tháng tuổi mới cho bắt đầu phối giống?
Một heo nọc có thể sử dụng vào việc phối giống đến sáu, bảy năm liền, vì vậy nên để cho nó có đủ thời gian phát triển đầy đủ sức vóc mới bắt đầu cho phối giống. Thường người ta cho heo nọc phối giống lần đầu khi được 7 đến 8 tháng tuổi. Lúc này heo nọc đã có trọng lượng khoảng 100kg.
Có điều cần lưu ý là với nọc tơ, mới phối lần đầu, ta cần chọn heo nái đẻ lứa rạ và thời gian rượng đực đã chín muồi thì việc hành sự của con heo đực mới đem lại kết quả tốt. Heo đực mới phối giống lần đầu lại “gặp” cái tơ mới lên giống lần đầu thì hễ xảy ra việc… anh chi cắn nhau, thậm chí còn rượt đuổi nhau trên cả đoạn đường dài nữa. Việc này, thường con cái tơ gây sự trước và chính nó lăn xả vào cắn rượt con đực. Nếu phối lần đầu mà gặp nái quá dữ, con đực có thể từ đó sẽ sợ heo nái không dám lại gần, và nhắt luôn truòng hợp trớ trêu, khiến heo nọc trở nên có tính tránh né heo nái này, chủ nuôi cần phải khổ công tập luyện một thời gian dài may ra mới cải thiện tình trạng này được. Phương pháp tập luyện đơn giản bằng cách cho nó phối giống những con cái đẻ lứa rạ và đang ở đúng vào thời điểm cần được phối giống gấp…
Nuôi bao nhiêu heo nái cần một heo nọc ?
Khả năng phối giống của một heo đực ra sao còn tùy thuộc vào tuổi tác của nó:
– Heo nọc 8 tháng tuổi, mỗi tuần chỉ cho phối giống một lần
– Heo nọc 1 năm tuổi, mỗi tuần chỉ cho phối giống hai lần
– Heo nọc dưới 2 năm tuổi, mỗi tuần chỉ cho phối giống ba lần (ngày phối ngày dưỡng sức).
– Heo nọc từ 1 đến 3 năm tuổi được coi là giai đoạn sung sức nhất, số lượng tinh trùng nhiều và mạnh nhất. Những heo nọc tốt có thể nuôi đến lúc chúng 6 đến 7 năm tuổi, đa số nọc còn lại sử dụng 3 năm đã loại thải bán thịt.
Một heo nọc tốt đủ khả năng phối giống được từ 40 đến 50 heo nái một năm, trong điều kiện phối giống lai rai, có giờ làm giờ nghỉ dưỡng sức. Nếu phải phối giống liên tục mỗi ngày một lần, thậm chí ngày 2 lần, dù sau đó nghỉ ngơi vài ngày đi nữa, chắc chắn không có neo nọc nào đủ sức chịu nổi. Vì vậy, rất khó đoàn được số heo chính xác số heo nọc cần phải nuôi để phối đủ số heo nái đang nuôi trong chuồng trại là bao nhiêu.
Nguồn: Tham khảo